Hình ảnh: minh hoạ

Bắc Giang là một tỉnh thuộc trung du miền núi Đông Bắc Bộ. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực dồi dào, Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển vùng trồng cây thuốc, đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau. Nhiều loài cây thuốc đã được trồng ở tỉnh như Ba kích, Trà hoa vàng, Đinh Lăng, Nhân Trần, Sâm Nam núi Dành, Sâm cau, Địa liền, Kim tiền thảo,…

Để nắm được cụ thể về tiềm năng và hiện trạng nguồn cây thuốc, các tỉnh đều tiến hành các đợt điều tra khảo sát khắp các huyện để phát hiện và thống kê được các loài có giá trị làm thuốc; xác định những vùng tập trung nhiều cây thuốc, những câycó khả năng cho khai thác lớn cùng với những cây đang bị đe dọa tuyệt chủng. Từ những kết quả này sẽ góp phần hoạch định những kế hoạch nhằm khai thác hợp lý và bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên.

Việc xây dựng đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc sẽ là những dẫn liệu quan trọng phục vụ định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, lĩnh vực bảo tồn và trồng trọt cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về thuốc từ thảo mộc trên thế giới sẽ ngày càng tăng. Vấn đề là mỗi một nước làm thế nào để khai thác, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu một cách có hiệu quả và bền vững. Hiện nay rất
nhiều loài cây thuốc đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, hoặc ít nhất về số lượng cá thể, quần thể cũng đang bị thu hẹp, giảm bớt dần do con người khai thác một cách bừa bãi và không có kế hoạch để bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh đó, do nhu cầu thị trường, một số loài cây thuốc đã được triển khai trồng để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình là đối với một số loài Sâm mọc tự nhiên, do giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao nên đã thúc đẩy nhu cầu khai thác sử dụng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, người ta đã chủ động trồng các loài Sâm.

Trồng cây thuốc góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp làm cơ sở quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Phát huy đượctiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh của địa phương làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao giá trị xuất khẩu. Do vậy, việc đánh giá thực trạng và lên kế hoạch phát triển cây dược liệu tại Bắc Giang là điều hết sức cần thiết.

BBT