Lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng nhiều chính sách phù hợp đã giúp kinh tế rừng của Tuyên Quang có những bước tiến vượt bậc.
 
Tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 448.580 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 189.000 ha rừng trồng. Từ năm 2015 đến nay, trung bình quân mỗi năm tỉnh khai thác trên 800.000 m3 gỗ. Với nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn đã giúp kinh tế rừng ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong đời sống xã hội.
 

Việc có những chính sách phù hợp đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến gỗ ở Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện chương trình “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực”, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Sở NN-PTNT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhiều Nghị quyết, quyết định quan trọng. Như đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 2 Nghị quyết, HĐND tỉnh ban hành 7 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 19 Quyết định, 2 Chỉ thị và 6 Kế hoạch trung hạn, dài hạn để thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa và tái cơ cấu ngành.
 
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng rừng tập trung của tỉnh đạt hơn 55.500 ha/53.000 ha kế hoạch; diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu đạt trên 140.700 ha/130.000 ha kế hoạch; năng suất gỗ rừng trồng bình quân đạt 82 m3/ha...
 
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp, tỉnh đã có chính sách thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện để xây dựng các dự án, nhà máy chế biến gỗ với quy mô lớn. Nổi bật như Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất tiêu thụ trên 500.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy và 195.000 tấn nguyên liệu sợi dài/năm. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang với công suất các loại sản phẩm 170.000 m3 sản phẩm/năm. Nhà máy đũa Phúc Lâm công suất 250 triệu sản phẩm/năm...
 
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, việc triển khai xây dựng các chương trình, dự án của công ty luôn được tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, cũng như thủ tục hành chính khá thông thoáng. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
 

 
Mỗi năm tỉnh Tuyên Quang thực hiện trồng mới khoảng 10.000 ha rừng.
Không ngừng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, từ năm 2015, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nông thôn thực hiện chính sách liên kết với Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam mời các chuyên gia Quỹ phát triển rừng Quốc tế hỗ trợ làm rừng FSC.
 
Thực hiện chủ trương này, đến nay Tuyên Quang đã có 25.366 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC, chiếm 18,7% diện tích rừng trồng sản xuất. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp tổng hợp, đến nay tỉnh Tuyên Quang đứng đầu so các tỉnh trên toàn quốc về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, diện tích được cấp chứng chỉ của Tuyên Quang chiếm 16,4% diện tích cấp chứng chỉ cả nước.
 
Từ những lợi ích của việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ đã cho hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong bối cảnh các công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình thiếu vốn sản xuất, không được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng, thì việc liên kết, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là cách làm đem lại hiệu quả.
 
Ông Lý Văn Dau, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn cho biết, gia đình ông có 2,2 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Rừng được cấp chứng chỉ cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với rừng trồng thông thường, hơn nữa vấn đề đầu ra cũng được cảm bảo.
 
Thấy rõ được lợi ích, gia đình ông Dau và người dân thôn Ngẹt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, khai thác rừng theo chuẩn FSC. Khai thác rừng đến đâu lại trồng rừng ngay đến đó nên ở Phú Thịnh không còn đất trống đồi núi trọc.
 
Tỉnh Tuyên Quang dự kiến năm 2020, kinh tế lâm nghiệp chiếm 13,2%, tăng 1,11% so với năm 2015. Để rừng phát triển bền vững, mang lại đời sống ấm no cho người dân, tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành những chính sách đảm bảo giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận với phương thức quản lý, sản xuất tiên tiến. Từ đó giúp họ nâng cao nhận thức được ảnh hưởng trực tiếp của phương thức sản xuất mới đến môi trường, xã hội và kinh tế.
 
Theo: nongnghiep.vn