Rơm rạ là một trong những phế thải nông nghiệp có rất ít giá trị sử dụng: một phần được dùng làm thức ăn cho trâu bò, một phần được chế biến làm phân bón vi sinh còn phần lớn bị đốt bỏ ngay trên cánh đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, từ 2002 đến nay trung bình mỗi năm nước ta sản xuất được trên 34 triệu tấn gạo, tương đương khoản hơn 40 triệu tấn rơm rạ. Nếu được chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học với hiệu suất 25% thì nước ta có thể thu được 10 triệu tấn xăng sinh học mỗi năm.
 
 

 
                                      Ảnh: Rơm rạ sau thu hoạch
Hiện nay trên thế giới có nhiều nước đã chế tạo nhiên liệu sinh học từ sản phẩm nông nghiệp như từ ngô, mía đường, củ cải đường, lúa mỳ,...để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này có giá thành cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực nên không được khuyến khích. Trong khi đó, rơm rạ ở nước ta lại là nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có và hiện nay hầu như chưa được sử dụng hiệu quả. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu rơm rạ này để sản xuất nhiên liệu sinh học thì sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn về nhiều mặt.
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, sử dụng phương pháp nhiệt phân rơm rạ không sử dụng xúc tác ở nhiệt độ 550 độ C, hiệu suất tạo nhiên liệu lỏng là 25-30%. Nếu sử dụng xúc tác, nhiệt độ nhiệt phân có thể giảm đến 100 độ C với hiệu suất tạo dầu tương đương so với khi không sử dụng xúc tác. Rơm rạ được thu gom và làm sạch, hong khô rồi đưa vào lò nhiệt phân. Sau phản ứng nhiệt phân sẽ thu được sản phẩm ở cả ba dạng khí, lỏng và rắn. Sản phẩm lỏng chiếm phần lớn, chứa dầu sinh học (nhiên liệu sinh học), có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như sản xuất hóa chất, y dược, công nghiệp, thực phẩm hoặc làm nhiên liệu.
 
Dự án “Kết hợp bền vững nền nông nghiệp địa phương với công nghiệp chế biến biomass” (Dự án JICA), do Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Viện Khoa học Công nghiệp - Đại học Tokyo phối hợp thực hiện, bước đầu đã thành công ở quy mô phòng thí nghiệm với sản phẩm cồn nguyên chất (ethanol) từ rơm. Bước đầu,nhóm nghiên cứu đã cho ra lò mẻ cồn đầu tiên từ rơm rạ với hiệu suất 5% (150-180 kg rơm rạ tươi cho 20 lít cồn 97%), cồn này sẽ tiếp tục được chưng cất để có thể pha thành xăng thành phẩm.
 
Nếu nghiên cứu này thành công và được ứng dụng rộng rãi vào thực tế thì đã mở ra khả năng tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch đang có nguy cơ ngày một cạn kiệt./.
 
Trần Phượng