Ảnh: mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn

Tỉnh Bắc Giang có điều kiện khí hậu, đất đai rất thuận lợi để phát triển cây ăm quả, là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 51.000 ha cây ăn quả, với nhiều cây ăn quả có thế mạnh như: cây vải thiều, cây nhãn, cây na, cây cam…Tổng giá trị sản xuất cây ăn quả hàng năm đạt trê 8.000 tỷ đồng, chiếm trên 44% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.

Vải thiều là cây ăn quả chủ lực, với tổng diện tích 29.600 ha, sản lượng hàng năm khoảng từ 180- 200 nghìn tấn; Cây có múi đứng thứ 2 với sản lượng khoảng 84 nghìn tấn; nhãn khoảng 20 nghìn tấn; Na khoảng 15 nghìn tấn. Đối với vải thiều tiêu thụ trong nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, xuất khẩu chiếm 50% chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Với các loại cây ăn quả khác chủ yếu được tiêu thụ ở trong nước.

Ảnh: Sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn

Sản xuất cây ăn quả Bắc Giang trong những năm qua đã có những bước phát triển mãnh mẽ cả về mặt quy mô và giá trị, tuy nhiên vẫn còn những còn những tồn tại hạn chế như: một số vùng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa theo quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều….Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức; phần lớn nông sản được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô nên giá trị gia tăng còn thấp; liên kết theo chuỗi sản xuất bao tiêu sản phẩm còn yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá trị sản cây ăn quả chưa tương xứng với tiềm năng.

Để phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị và bền vững cần điều chỉnh lại quy hoạch, quy mô sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ. Xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp hiệu quả, phát triển kinh tế hợp tác. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tự giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm.

Với những điều kiện tự nhiên phù hợp, cùng với những chính sách và kế hoạch phát triển toàn diện sản xuất cây ăn trái tại tỉnh Bắc Giang trong những năm tới sẽ có những bước tiến mới. Góp phần phát triển kinh tế bền vững tại Bắc Giang./.

BBT