Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ vừa tổ chức diễn đàn “Chuỗi giá trị ngành hàng mía đường và giải pháp liên kết sản xuất nông sản bền vững”.
Tham dự diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Mía đường, Trường ĐH Cần Thơ, doanh nghiệp chế biến đường và đông đảo người dân trồng mía trong tỉnh.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân bị thua lỗ do giá bán mía nguyên liệu sụt giảm, đầu ra gặp khó khăn. Nhà máy đường hoạt động không hiệu quả, đường tồn kho nhiều do không tiêu thụ được. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì nông dân bỏ mía chuyển qua cây trồng khác, nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu hoạt động trong những năm tới.
Đặc biệt trong năm 2018 này, trước tình hình hội nhập quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực (AFTA) nên giá đường trên thị trường giảm mạnh, dẫn đến đường tồn kho kỷ lục, đẩy nhiều nhà máy đường rơi vào cảnh khó khăn, kéo theo giá thu mua mía trong vụ này giảm, người trồng mía bị thua lỗ nặng.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, doanh nghiệp ngành mía đường và nông dân đã đưa ra nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, Hậu Giang sẽ quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía chuyên canh để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và chỉ giữ lại diện tích mía cho năng suất, chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mía cho nông dân và tiếp tục nghiên cứu, áp dụng cơ giới hóa theo hướng đồng bộ ở các khâu trong sản xuất để hạ giá thành.
Đặc biệt, đẩy mạnh các giải pháp liên kết “4 nhà”, nhất là liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá, cũng như những chính sách hấp dẫn khác để các doanh nghiệp mía đường có điều kiện để mạnh dạn đầu tư liên kết với nông dân, từ đó hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, qua các ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn này, tới đây ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương có vùng mía nguyên liệu sẽ rút ra được nhiều giải pháp căn cơ nhất để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành mía đường nói riêng và các mặt hàng nông sản có giá trị của Hậu Giang nói chung.
Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tập hợp các ý kiến này để làm cơ sở đề xuất với UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương nhằm có giải pháp hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang phát triển sản xuất bền vững trong thời gian tới…
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: