Hiện nay, phong trào chơi hoa và cây cảnh là một thú vui tao nhã và ngày càng trở thành nhu cầu lớn của người dân. Nó góp phần làm đẹp cảnh quan các nhà, lại tạo ra cây xanh điều hòa dưỡng khí, khiến cho “lá phổi xanh” của thành phố to thêm. Đối với người chơi cây cảnh khiến họ thư giãn, sảng khoái tâm hồn vì luôn như được đắm chìm vào thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Những người có tuổi hoặc đã về hưu dễ bị cuốn vào chăm sóc cây cảnh, có công việc hữu ích, tránh được sự nhàn rỗi không có lợi cho tâm lý và sức khỏe. Cây cảnh khiến họ được di dưỡng tâm hồn, thêm yêu thiên nhiên, yêu đời, sảng khoái, tăng thêm tuổi thọ. Rõ là chơi cây cảnh thật văn minh, và cần được nhân rộng. Không vô cớ mà có cả một tổ chức Hội Sinh vật cảnh ra đời, được rất nhiều người hưởng ứng, gia nhập, đồng lòng ủng hộ.
 
khi mức sống từng bước được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người dân ngày càng lớn. Ở Bắc Giang, nhu cầu này đang được hiện thực hóa bằng phong trào sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Vì vậy nghề trồng hoa, cây cảnh cũng đang phát triển mạnh tại các địa phương.
 
Hoa và cây cảnh đã và đang phá dần thế độc canh của cây lúa, đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời đang làm thay đổi diện mạo của các vùng nông thôn, giúp cảnh quan môi trường thêm xanh, sạch, đẹp. Đây cũng được xác định là hướng đi mới cho nền nông nghiệp đô thị. Với diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích cần phải được tính toán kỹ. Việc chuyển đổi này phù hợp với thực tế là mức sống của người dân ngày một nâng cao, nhu cầu vui chơi giải trí và hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần ngày càng lớn, trong đó phải kể đến thú chơi sinh vật cảnh.
 
Về thôn Vĩnh Ninh I, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Chúng tôi bị cuốn hút vào màu xanh mướt của những vườn cây cảnh, cây thế. Dưới bàn tay khéo léo của họ, những cây cảnh đã trở nên sống động với đủ mọi thế, dáng như “Phượng bay Rồng múa”, “Long ly Quy phụng”… trong đó có nhiều cây đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật.
 
Điển hình phải kể đến vườn cây của gia đình anh Nguyễn Văn Tiệp, thôn Vĩnh Ninh I, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Gần 40 năm nay gắn bó với nghề trồng cây cảnh đủ loại, cho biết: Với anh, nghề trồng cây cảnh giờ không chỉ là một nghề kiếm tiền mà đã trở thành niềm đam mê, là công việc anh muốn được làm mỗi ngày. Với diện tích đất vườn hiện nay gia đình anh có khoảng 1.000 m2 đất với hơn 30 loại cây khác nhau, được tạo nhiều “dáng, thế” rất đẹp mắt, trong đó nhiều cây có giá lên đến 30 - 40 triệu đồng. Được anh tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề làm ruộng, trồng cây cảnh chỉ để chơi. Nhưng từ khi tỉnh có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ đô thị, diện tích lúa ở đây hầu như đã không còn. Nhu cầu phát triển nhà ở, mở rộng đường sá, các khu dân cư sẽ là hướng mở cho việc phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, phải có sự định hướng quản lý của ngành chức năng để tránh tình trạng cung vượt cầu”. Và cây cảnh từ chỗ trồng để chơi đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình”. Vài năm trở lại đây, thu nhập từ cây cảnh của gia đình anh năm sau luôn cao hơn năm trước, doanh thu từ hoa và cây cảnh của anh lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Anh cho biết: Có được thành công, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất phải là tinh thần chịu thương, chịu khó ham học hỏi. Cái thứ hai là phải theo cái mẫu mốt, theo thời cuộc. Cái tố chất không thể thiếu được dẫn đến thành công, đó là sự nhanh nhậy, óc quyết đoán và có một chút thương mại mà cái nghề này cần phải có. Trồng cây cảnh đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, khéo léo. Công việc từ đơn giản là chăm cây, bón phân, tỉa cành, tưới nước đến phức tạp như tạo dáng, ghép cành, tạo thế... “Phải có cái tâm trong nghề, phải xem cây như những đứa con non nớt của mình cần được chăm bẵm, đùm bọc, quan tâm chăm sóc, nếu để nước đọng, cây có thể thối rễ chết”.
 
Để tạo ra được một cây có dáng, thế đẹp phải mất hàng năm, thậm chí cả chục năm. Hiện nay, nghề trồng hoa, cây cảnh không chỉ tập trung ở Bắc Giang mà còn phát triển ở khắp các huyện trên địa bàn tỉnh như: Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên... Các hộ lựa chọn trồng và kinh doanh cây cảnh bởi đây là nghề có nhiều ưu thế về thị trường tiêu thụ, giá bán cao. Xác định nghề trồng hoa, cây cảnh không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo.
 
Bên cạnh vườn cây cảnh, mới đây anh Tiệp còn đưa vào trồng thử nghiệm hơn 1.000 gốc hoa Đồng Tiền. Anh cho biết, thời điểm này, số hoa Đồng Tiền ấy gia đình anh để bán vào dịp tết Nguyên Đán sắp tới.
 
Từ hiệu quả do mô hình trồng hoa và cây cảnh mang lại, có thể coi đây là hướng mở trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây có thể xem là tiền đề, tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ phát triển lĩnh vực này. Song, trước mắt nhiều người trồng hoa, cây cảnh hy vọng, tỉnh sẽ sớm quy hoạch hoàn chỉnh và phân bổ vốn đầu tư để nghề có thể theo kịp với nhịp độ phát triển đô thị, đồng thời nghiên cứu lai tạo, cho ra đời những mẫu sinh vật cảnh độc đáo mới đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân hiện nay./.