Theo TS Dương Hoa Xô, GĐ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, những vùng ven các đô thị không thể cứ giữ kiểu sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà phải chuyển ngay sang nông nghiệp đô thị, với những sản phẩm chủ lực cần đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới là hoa và cây kiểng.
 
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện KHKTNNMN, cho biết, nghề trồng hoa, cây cảnh trên thế giới mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao. Chính vì thế, ở nhiều nước như Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc… nghề trồng và kinh doanh hoa đã trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân.
 
Ở Việt Nam, nghề trồng hoa, cây cảnh cũng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ở TP HCM, đến tháng 9/2008, diện tích trồng hoa, cây cảnh đã đạt 1.322 ha, tăng gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước (591 ha). Theo Trung tâm Khuyến nông TP HCM, đến hết năm nay, diện tích trồng hoa, cây cảnh ở TP này sẽ đạt khoảng 1.400 ha, vượt 10% so với mục tiêu của thành phố là 1.200 ha vào năm 2010. Diện tích trồng hoa ở Lâm Đồng đến cuối năm 2007 đã đạt khoảng 1.250 ha, sản lượng 950 triệu cành. Diện tích hoa, cây cảnh ở Đồng Tháp đến 2008 là 260 ha, tăng hơn 20 ha so với 2007…
 
Tuy nhiên, quy mô của nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam còn manh mún và nhỏ bé, nếu so với những cường quốc về hoa, cây cảnh trên thế giới. Ngay cả với những nước ở gần ta như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan…, nghề trồng hoa, cây cảnh của nước ta cũng chưa thể so sánh được. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, lợi nhuận trung bình từ trồng hoa ở ta hiện tại có thể đạt tới 70 triệu đ/ha, đây là mức cao so với nhiều loại cây trồng khác, nhưng so với nghề trồng hoa trên thế giới, vẫn là một mức lợi nhuận thấp. Cũng theo TS Nghĩa, những hạn chế lớn hiện nay của nghề hoa, cây kiểng nước ta là giống, công tác quảng bá và xúc tiến thương mại.
 
Chính vì chưa có giống hoa nổi bật, nên đến nay, nước ta vẫn chưa có được những giống hoa mang thương hiệu Việt Nam để có thể nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngay cả việc chọn một loài hoa để làm “quốc hoa”, đến giờ vẫn chưa được chú trọng đúng mức và còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã có “quốc hoa”, nổi tiếng trên toàn thế giới như Nhật Bản là hoa Anh đào, Hà Lan có hoa Tulip...
 
Chuyển biến trong công tác giống
 
Hiện nay, các giống hoa trồng ở nước ta phần lớn là những giống cũ (đã không còn hợp thị hiếu), hoặc nhập từ nước ngoài (khó kiểm soát chất lượng). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho hoa Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
 
Gần đây, công tác chọn tạo, nhân giống các loại hoa mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đã bắt đầu được chú trọng. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa (Viện KHKTNNMN), công tác chọn tạo giống mới các loại hoa cắt cành (cúc, hồng, đồng tiền, cẩm chướng, lay-ơn) đã hoàn toàn có thể được tiến hành tại Việt Nam. Riêng tại Trung tâm này, đã tiến hành lai tạo được vài giống rất có triển vọng, được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời nhằm đưa vào sản xuất, như: giống hoa cúc C05.1 và C05.3, hoa đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, tỷ lệ đồng đều cao, có khả năng thích ứng cao, kháng bệnh gỉ sắt tốt; giống đồng tiền G04.6 có năng suất cao và ổn định, hoa đẹp (đỏ tươi với nhuỵ đen), phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, kháng được bệnh nấm cổ hoa, có khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất cao.
 
Dự án “Sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân giống các giống hoa lan”, do Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM tiến hành từ năm 2005, đến nay đã sưu tập được hơn 285 giống hoa lan thuộc 12 nhóm giống khác nhau (Mokara, Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium …), để phục vụ cho công tác bảo quản nguồn gen và lai tạo giống. Trong đó, đặc biệt có hơn 80 giống lan rừng quý, có thể phục vụ công tác lai tạo giống lan sau này. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành nhập nội 14 giống lan Mokara, 13 giống Dendrobium, 5 giống Catlleya để khảo nghiệm và nhân nhanh giống phục vụ sản xuất. Hiện tại, Trung tâm này đã lai tạo 50 cặp lai, đang tiến hành gieo hạt trong ống nghiệm. Năng lực sản xuất cây giống hoa lan cấy mô của Trung tâm cũng đã được nâng lên đáng kể với 100.000 cây trong năm 2008, cung cấp cho các nhà vườn trong thành phố và các tỉnh.
 
Báo Nông nghiệp Việt Nam