Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị đang đặt ra yêu cầu đổi thay mạnh mẽ cho các vùng ngoại thị, theo hướng đi vào nông nghiệp đô thị. Trong đó, phát triển trồng hoa, cây cảnh, đang được coi là một hướng đi phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh ta trong những năm tới.
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong xu thế đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ của thành phố Bắc Giang trong những năm gần đây: Sử dụng diện tích sản xuất ít, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng thâm canh công nghệ cao như sản xuất rau sạch, trồng nấm ăn, trồng hoa cây cảnh đáp ứng nhu câu của người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
 
Những năm gần đây, đời sống người dân Vĩnh Ninh ngày càng được nâng cao, nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển. Cùng với đó nghề kinh doanh hoa, cây cảnh tại làng Vĩnh Ninh đã hình thành và phát triển, mang lại thu nhập gấp 7-10 lần so với trồng lúa. Thoạt đầu từ thú vui tao nhã của một số người, một số gia đình riêng lẻ sau đó cây cảnh dần trở thành một thứ cây trồng có giá trị hàng hoá, được cả làng ưa chuộng.
 
Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày một tăng cộng với hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ hoa màu (chủ yếu là lúa nước) sang trồng hoa, cây cảnh. Từ đó đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Nam - một người trồng cây cảnh cho biết:
 
Vào thời điểm năm 2000 trở về trước, mặt hàng các loại cây trang trí như: Trúc nhật, dừa cảnh, hoa giấy, thiết mộc lan... được thị trường tiêu thụ rất mạnh, đa số các loại cây này đều được người dân trong làng tự nhân giống giá rất bình dân, dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Mấy năm gần đây, các loại cây trang trí không còn chiếm được thế “thượng phong” mà thay vị trí đó là các nhóm cây như: Lộc vừng, tùng côi, sanh, đa... và quan trọng hơn, vào thời điểm này, thị trường cung cấp cây cảnh cũng bắt đầu nở rộ. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đi tạo thế, sưu tầm những “cây độc”, “cây quý”. Giá cả các loại cây này rất cao, cây thấp nhất cũng có giá vài ba triệu đồng, có những cây lên tới vài chục triệu đồng.
 
Hoa và cây cảnh đã trở thành một nghề thực thụ và là cây trồng chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân. Ngoài đối tượng buôn cây chuyên nghiệp trong làng còn có những lao động buôn cây (chủ yếu là đào, quất) theo thời vụ. Cứ vào khoảng ngày 15 tháng chạp hàng năm trở đi, người dân nơi đây lại bắt đầu buôn đào, quất phục vụ cho những ngày tết cổ truyền. Những ngày này có đến hơn 70 - 80% dân số trong làng đi buôn cây. Năm nào đào, quất đẹp, hàng bán chạy, trong vòng khoảng nửa tháng, mỗi người buôn cũng kiếm được từ 5 - 7 triệu đồng.
 
Hiện nay, số người đi buôn cây, hoa chuyên nghiệp của làng chiếm 60% và chiếm khoảng trên 70% tổng thu nhập. Với tốc độ đô thị hoá mạnh như hiện nay, những vùng ven các đô thị không thể cứ giữ kiểu sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà phải chuyển ngay sang nông nghiệp đô thị, với những sản phẩm chủ lực cần đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới là hoa và cây cảnh. Mô hình trồng hoa, cây cảnh cần được nhân rộng đến các xã, huyện ven thành phố để cải thiện đời sống cho nông dân khi diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp.
 
Nhờ nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường cũng như nhận thấy được tính kinh tế mà loại hình sản xuất này mang lại, người dân nơi đây đã thay đổi nếp canh tác cũ, chuyển từ thuần nông sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, thị trường.
 
Nếu vài năm trước, diện tích đất nông nghiệp được bao phủ chủ yếu bởi những loại cây hoa màu, có nơi đất trống, cỏ mọc um tùm thì nay về thôn Vinh Ninh, ta thấy một mầu xanh của các loại cây, một “mùi hương mới”. Toàn thể nhân dân nơi đây đang phấn đấu học hỏi, trau dồi kiến thức trong việc phát triển và nhân rộng mô hình trồng hoa, cây cảnh để đưa làng mình từ làng có nghề trở thành làng nghề trong một tương lai gần nhất.
 
Quy mô của nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở Bắc Giang còn manh mún và nhỏ lẻ. Hiện nay, các giống hoa trồng ở tỉnh ta phần lớn là những giống cũ (đã không còn hợp thị hiếu người tiêu dùng). Do vậy, công tác chọn, nhân giống các loại hoa mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng cần được chú trọng./.
 
                                                                                                                                                                                                                               Văn Sơn