Chị Nguyễn Thị Nga, chủ vườn kiểng Lâm Nga là người phụ nữ duy nhất trong số 7 người được tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc lần thứ I, 2017”. Năm 2018, chị lại được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Chị Nga, 43 tuổi, quê tại ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một trong những phụ nữ sản xuất kinh doanh hoa kiểng đạt hiệu quả cao ở Cái Mơn, nơi từng nổi tiếng là “vương quốc hoa kiểng và cây giống”.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, đông anh em nên vừa học hết lớp 4 chị đã thôi học ở nhà giúp đỡ gia đình. Sau ngày lập gia đình, cha mẹ cho chị 3.000m2 đất. Lúc đầu hai vợ chồng phá bỏ vườn tạp trồng cây ăn trái nhưng nhiều năm liền bị thất bại. Là người sinh sống giữa một làng hoa nổi tiếng, hàng ngày tiếp cận với nhiều nhà vườn và các nghệ nhân hoa kiểng, chị đã bén duyên với nghề trồng hoa và cây cảnh. Để thực hiện ước mơ của mình, năm 2007 chị bắt đầu học hỏi về kinh nghiệm sản xuất. Với ý chí quyết tâm và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chị quyết định vay 30 triệu tiền của ngân hàng để bắt tay vào việc trồng kiểng, đầu tiên là kiểng treo, còn gọi là hoa treo, tức cây trồng trong chậu treo lơ lửng trên cao. Chị là người đầu tiên trong ấp thực hiện mô hình này nên vào thời điểm đó có nhiều người e dè và lo ngại sẽ không thành công. Thế nhưng, sau một thời gian ra đời, loại hình kiểng treo đã bắt mắt khách hàng, khiến nhiều người yêu thích vì vừa rẻ vừa xinh xắn trông rất ấn tượng. Mấy năm đầu chị bán mỗi năm từ 20.000 chậu, dần dần lên đến hàng trăm ngàn chậu.
Chị Nguyễn Thị Nga chăm sóc các loại hoa treo (kiểng treo)
Từ hiệu quả đó, mỗi năm chị đều tăng lên số lượng và chủng loại để đáp ứng nhu cầu người chơi, nhất là mùa Noel và Tết Nguyên đán. Từ 3.000m2 đất ban đầu, chị mở rộng sản xuất lên 6.000m2 và hiện nay là 15.000m2. Lúc đầu chỉ có vài chủng loại, nay tăng lên trên 30 giống. Ngoài các loại kiểng treo như son môi tím, son môi đỏ, hạt dưa, đô la, đồng tiền, yến thảo…(mỗi cây có giá từ 10.000 - 25.000 đồng), trong vườn còn có kiểng bông, kiểng màu, kiểng lá… đặc sắc nhất là Đại phát tài (giá bình quân 100.000 đồng/cây có hoa), Phát lộc hoa (vài chục ngàn/chậu). Để tiết kiệm diện tích, chị bố trí trồng cây cảnh thành hai, ba tầng. Tầng trên trồng hoa treo, tầng dưới đất trồng kiềng bông, kiểng lá.
Để phục vụ khách hàng, chị luôn luôn tìm giống mới, lạ và thay đổi mẫu mã chậu trồng. Đầu tiên hoa treo trồng trong chậu nhựa, tiếp theo là trong vỏ ốc và bây giờ là trong gáo dừa vừa lạ mắt vừa thân thiện với môi trường tự nhiên. Chị cho biết nếu tính tổng số sản phẩm hiện có khó mà biết được, còn tổng số sản phẩm bán ra có thể lên đến vài trăm ngàn, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm. Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, chị Nga lúc nào cũng cần cù sáng tạo như một con ong cần mẫn, ngày ngày tha mật ngọt về tổ vun bồi cho vườn kiểng Lâm Nga thêm đa dạng và phong phú. Khách tham quan bước vào vườn của chị như lạc vào khu vườn cổ tích đầy kỳ hoa dị thảo, không gian tươi mát, môi trường sạch - xanh - đẹp đến ngỡ ngàng. Là một phụ nữ chân đất nhưng chị Nga lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở và nhiệt tình với khách hàng. Đặc biệt, trong mua bán và trao đổi hàng hóa chị luôn đặt chất lượng và chữ tín lên hàng đầu. Nhờ vậy mà chị đã gặt hái được kết quả còn hơn mong đợi. Từ thành tích đó, chị đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của địa phương và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận 5 năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện chị là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre.
Ông Trần Văn Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành đánh giá, chị Nga là một phụ nữ tiêu biểu của xã về ý chí vươn lên làm giàu bằng nghề hoa kiểng. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, chị còn là người phụ nữ đảm đang, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội như bắc cầu, làm đường, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là chị đã tạo điều kiện cho 15 lao động thường xuyên có công ăn việc làm ổn định và sẵn sàng hỗ trợ phương tiện và kỹ thuật cho các hộ muốn phát triển kinh tế gia đình bằng nghề hoa kiểng.
Theo Nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Kỹ thuật trồng sen trong chậu (20-06-2024)
- Cách trồng và chăm sóc sen trong chậu (28-08-2023)
- Đặc điểm của giống sen Juwaba, sen mini đỏ huyết, sen Peony (28-08-2023)