Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, anh  Hoàng Văn Phượng, thôn Miễu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đã mạnh dạn đưa vào sản xuất nhiều giống cây mới đáp ứng thị hiếu người sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho gia đình.
 
Làm chủ kỹ thuật, lợi nhuận cao
 
Tiếp xúc với ông chủ vườn hoa nhận thấy phong cách vẫn rất nông dân đó là sự gần gũi, xởi lởi và thói quen hút thuốc lào sòng sọc. Thế nhưng nghe anh nói chuyện sản xuất, nhìn anh chăm chút những cây hoa lại thấy dáng vẻ của một thương gia, một kỹ sư giỏi.
 
 

 
Anh Hoàng Văn Phượng giới thiệu kỹ thuật trồng cà chua Israel.
 
Khoảng sân rộng và khu vườn trước ngôi nhà ba tầng khang trang của gia đình anh Phượng đặt và treo nhiều chậu, giò hoa lan khiến không khí thật khoan khoái, dễ chịu. Phía dưới đặt bộ bàn ghế đá là nơi anh Phượng vẫn ngồi uống nước ngắm hoa hoặc bàn chuyện canh tác, tiêu thụ sản phẩm với khách. Nước da đen khỏe khoắn và nụ cười tươi khiến anh Phượng trở nên dễ gần. Anh mở đầu câu chuyện bằng câu nói vui: “Tôi sinh năm 1969, tuổi con gà nên suốt ngày cặm cụi bới đất kiếm ăn”. Thế rồi, người nông dân này cởi mở kể về hành trình đưa những giống cây mới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để có được cơ ngơi như hôm nay.
 
Sau nhiều năm lập gia đình, vợ chồng anh Phượng vẫn vừa làm nông nghiệp vừa chạy chợ để kiếm sống. Con nhỏ, kinh tế khó khăn, anh phải xoay xở mọi cách để trang trải. Xuất phát từ sở thích lại thấy một số người trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế, năm 1999, anh Phượng cũng thử nghiệm trồng 3 thước hoa thược dược, cúc... Vụ đó, thời tiết thuận lợi, hoa bán đúng thời điểm nên gia đình anh Phượng lãi khá cao, thoải mái sắm Tết. Phấn khởi nên vụ tiếp theo anh tăng lên 10 thước hoa; cứ mỗi năm lại mở rộng diện tích. Anh nhận thấy trồng hoa lãi gấp 5-7 lần lúa và cần căn đúng dịp Tết thu hoạch thì mới lãi cao. Đọc báo thấy ở Bắc Ninh có gia đình trồng hoa đồng tiền hiệu quả nên anh nhiều lần tìm đến Viện Rau quả T.Ư tìm hiểu kỹ thuật. Nhận thấy loài hoa này ưa đất phù sa trong khi ruộng quê mình lại là đất cát pha, anh nảy ý định mua đất về trồng trong chậu. Tuy nhiên, do tốn kém chi phí mua đất nên lợi nhuận không cao, anh quyết định dừng lại sau ba năm canh tác.
 
Qua nắm bắt thông tin và tham khảo, anh nhận thấy tại Viện Rau quả T.Ư trồng hoa ly giống mới rất hiệu quả nên tiếp tục học hỏi đưa về trồng tại vườn nhà. Từ năm 2011, bên cạnh trồng một số loại hoa cũ, anh Phượng trồng 5 nghìn cây hoa ly trên 2 nghìn m2 nhà màng với sự hỗ trợ một phần vốn và kỹ thuật của Trạm Khuyến nông TP. Vụ đầu tính toán chưa hợp lý, một phần diện tích hoa nở sau dịp Tết có giá bán thấp song anh vẫn thu lãi 150 triệu đồng, gấp hai lần so với vốn đầu tư. Để hoa nở đúng dịp Tết hoặc các ngày lễ, anh Phượng phải dày công học hỏi, tìm tòi nghiên cứu, dự báo diễn biến thời tiết để xuống giống chuẩn thời điểm. Vẫn trên diện tích này, anh Phượng trồng nhiều trà hoa ly nhằm rải vụ thu hoạch và chọn được thời điểm giá bán cao.
 
Đưa chúng tôi đi tham quan khu nhà màng phía sau nhà - nơi trồng hoa ly, người chủ vườn vừa nhẹ nhàng tỉa những cành lá úa vừa giải thích: "Hiện loại hoa ly được người sử dụng ưa chuộng là: Zo-bi-na, te-bran, let-tho-tho, sắc- bon vàng không thơm. Trong đó sắc- bon khó tính nhất bởi hay bị cháy lá (tức là bị thối cành lá). Năm 2012, do chưa có kinh nghiệm, tôi trồng 5 nghìn cây sắc - bon đã bị cháy 1/3. Sau này tôi đã rút ra kinh nghiệm, đó là vào thời điểm phân hoá mầm cần nhận biết để kịp thời cung cấp dinh dưỡng cần thiết như can xi giúp cây khoẻ".
 
Đặc tính của giống địa lan ưa bóng râm nên khi thời tiết nóng phải làm màng che mát. Để hoa nở đúng dịp Tết, dễ bán và bán được giá cao, anh đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kích thích hoa nở sớm như căn cứ vào thời điểm, thời tiết khí hậu và tuổi hoa để hãm nước, bón phân, tỉa lá hay bón thúc, kích hoa… Từ lúc bỡ ngỡ, vụng về với việc nhân cấy mô, ghép cành lan, qua thời gian kiên trì với niềm đam mê lớn, người nông dân này đã thành thạo như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.
 
Anh không ngại đi nhiều vùng hoa trong cả nước và nước ngoài để nắm bắt kỹ thuật tiên tiến và sau mỗi chuyến đi đều mang về bài học kinh nghiệm bổ ích. Ví như đi Văn Quan (Hưng Yên) để học biện pháp trồng hoa chậu; đến Đà Lạt để học cách trồng hoa hồng, lay ơn, đồng tiền; về Bắc Ninh học phương pháp ghép hoa lan; sang Trung Quốc học hỏi công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
 
Hiện anh đang đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hai kho đông lạnh để bảo quản giống và sản phẩm. Với nhiều người, làm ruộng vất vả mà thu nhập thấp nhưng đối với anh Phượng do ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên rất nhàn và hiệu quả cao. Ngoại trừ khi xuống giống hoa ly phải thuê người, còn lại mình anh chăm sóc cả hai khu vườn 5 nghìn m2 với các loại hoa: Ly, hướng dương, lan rừng. Hệ thống tưới phun sương, phun mưa và nhỏ giọt sử dụng phù hợp với từng diện tích trồng ngoài đồng hay trong nhà màng; chỉ việc hoà dinh dưỡng vào téc nước và nhấn nút là hệ thống tưới tự động cho cả khoảnh vườn. Nhìn anh Phượng làm vườn, nhiều người gọi vui là ông "kỹ sư nông dân".
 
 
Nắm bắt thị hiếu để sản xuất
 
Theo anh Phượng, trong sản xuất nông nghiệp, khoa học kỹ thuật mới, nhu cầu thị trường và điều kiện thời tiết là những yếu tố tiên quyết. Vì thế, anh luôn tìm hiểu xu hướng thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng mỗi thời điểm để điều chỉnh hướng sản xuất phù hợp. Kinh nghiệm dân gian “trồng hoa trông rằm tháng Tám” “quầng hạn, tán mưa” được anh áp dụng triệt để nên hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán cao. Nhờ giỏi kỹ thuật mà việc trồng hoa ly của anh Phượng đạt tỷ lệ cây sống từ 80-90%. Anh tự hào: "Trong khi các nhà vườn khác hoa ly có thể còn tồn, giá rẻ nhưng hoa vườn nhà tôi giữ giá ổn định bởi độ bền, mẫu mã đẹp và cành cứng cáp, khi hoa đã nở hết mà lá vẫn xanh. Toàn bộ sản phẩm đều được các đại lý bao tiêu tại vườn để cung cấp cho thị trường trong tỉnh, Bắc Ninh, Hà Nội".
 
Nông dân Hoàng Văn Phượng nhiều năm được tuyên dương hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, TP; nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh do thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015… Ngoài 5 nghìn m2 trồng hoa tại Tân Mỹ, hiện anh Phượng đã thuê thêm 1 mẫu ruộng tại xã Dĩnh Trì để mở rộng sản xuất, góp phần nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ cao tại cánh đồng hoa nơi này.
 
Cũng nắm bắt thị hiếu người sử dụng, gần đây anh Phượng đưa hoa hướng dương, lan rừng về trồng tại vườn nhà và đều tiêu thụ thuận lợi. Trong đó dịp Tết Nguyên đán 2017, 2 nghìn chậu, giò hoa lan được bán với giá 500 nghìn đến hàng triệu đồng/sản phẩm. Cây hoa mang lại cho chủ vườn gần 400 triệu đồng lãi mỗi năm. Mô hình sản xuất của gia đình anh Phượng được cơ quan chuyên môn đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích đất sử dụng ít, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa.
 
Ngoài hoa, anh Phượng cũng không ngại thử nghiệm những loại cây giống mới khác như cà chua Israel trồng bằng giá thể, được tưới bằng hệ thống tự động nhỏ giọt. Hiện cà chua đang cho năng suất bình quân 5kg quả/1 cây và sẽ được thu hoạch liên tục trong 6 -8 tháng. Loại quả này bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao vì cùi dày, không hạt, năng suất, chất lượng gấp 2-3 lần cà chua thường.
 
Từ năm 2015, anh Phượng thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Nam với 8 thành viên là những hộ trồng hoa tại Dĩnh Trì và Tân Mỹ. Các thành viên cùng trao đổi, hỗ trợ nhau kinh nghiệm, giống vốn trong sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả.
 
Về kế hoạch trong thời gian tới, anh Phượng chia sẻ: Bên cạnh phát triển giống lan rừng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống ngày một cao của người dân, anh Phượng sẽ đưa về trồng một số loại hoa: Cát tường, cúc giống mới. Hiện anh đã thuê thêm 1 mẫu ruộng tại xã Dĩnh Trì để mở rộng sản xuất, góp phần nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ cao tại cánh đồng hoa nơi này.
 
Theo BGĐT