Hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng hoa cây cảnh, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh chuyên nghiệp, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vươn lên thoát khỏi nghèo, trở thành những triệu phú, trong đó không thể không nhắc đến cô Đỗ Thị Mơ ở thôn Giới Tế – người phụ nữ đặt những viên gạch đầu tiên mở đường xây dựng mô hình trồng hoa lan công nghệ cao ở Bắc Ninh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cũng như bao gia đình thuần nông khác, dù quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vô cùng vất vả song thu nhập của gia đình cô Mơ cũng không được bao nhiêu. Một thời gian sau, cô chuyển sang nghề buôn cây cảnh truyền thống, tuy nhiên nghề này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phải đến năm 2007, nhờ sự nhạy bén với thị trường cùng với sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cô đã mạnh dạn đầu tư 100m2 hệ thống nhà màng, nhà kính để trồng 4.000 cây lan Hồ Điệp. Thời điểm đó, không nhiều người có thể biết đến cây lan Hồ Điệp, có chăng chỉ là những người chuyên chơi hoa. Bấy giờ, giá một cây lan Hồ Điệp có thể tương đương với nửa chỉ vàng. Nhận ra tiềm năng của loài hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao, cô Mơ quyết định vươn lên làm giàu từ hướng chinh phục loài hoa "đỏng đảnh" này.
Để nắm được kỹ thuật chăm sóc lan Hồ Điệp, cô Mơ không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, trên mạng và qua những người lâu năm trong nghề trồng lan. Thậm chí, cô cất công sang Trung Quốc để tìm hiểu, gom góp những kiến thức về loài hoa này.
Cô tâm sự: “Thời điểm đó đầu tư trồng lan Hồ Điệp là rất phiêu lưu, bởi đây là giống lan rất khó tính, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm, quy trình chăm sóc, dinh dưỡng cũng như phòng trừ dịch bệnh. Cũng vì lan Hồ Điệp khó trồng nên rất ít người thành công”.
Sau những năm đầu, nhận thấy công nghệ trồng hoa trong nhà lưới mang lại những ưu điểm nổi trội, khắc phục được rủi ro về mặt thời tiết để cho ra sản phẩm như mong muốn nên cô quyết định tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới lên đến 1.500m2 cùng dàn máy làm nóng, lạnh, quạt thông gió và hệ thống điều khiển tự động.
Hiện nay cô Mơ đã mở rộng diện tích nhà lưới trồng lan lên 1.500 m2
Nhờ sự chăm chỉ cộng với tình yêu lan Hồ Điệp, đến nay, mô hình của gia đình cô Mơ đã phát huy hiệu quả và dần khẳng định thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Được biết, trung bình mỗi năm, gia đình cô cung cấp 3 vạn lan cho thị trường hoa Tết, chủ yếu bán buôn và bán chậu hoa trang trí cho thị trường hoa Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận… Mỗi năm gia đình cô thu hàng trăm triệu đồng từ trồng lan và tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ, 2 lao động thường xuyên. Hiện nay, cô đang ấp ủ ước mơ mở rộng thêm diện tích nhà lưới trồng lan. Theo cô, phong trào trồng và chơi hoa lan của người dân trong tỉnh đang phát triển mạnh nên đây sẽ là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế.
Đánh giá về mô hình sản xuất lan Hồ Điệp của gia đình cô Đỗ Thị Mơ, đồng chí Nguyễn Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Du cho biết: Lan Hồ Điệp là loại hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, sản phẩm có sức tiêu thụ lớn và bán được giá, mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người trồng hoa. Những năm trước đây, loài hoa quý này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Việt Nam nói chung và của miền Bắc nói riêng. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện chủ trương khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân nhân rộng mô hình trồng lan theo công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán sắp tới./.
Theo Khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan:
- Kỹ thuật trồng sen trong chậu (20-06-2024)
- Cách trồng và chăm sóc sen trong chậu (28-08-2023)
- Đặc điểm của giống sen Juwaba, sen mini đỏ huyết, sen Peony (28-08-2023)