ảnh minh họa
Các biện pháp sau thường được thực hiện để làm cho đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán:
- Từ đầu tháng 8 âm lịch hạn chế bón các loại phân có hàm lượng (N) cao, để khoanh vỏ. Tháng 10 âm lịch, ngừng bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá.
- Khoanh vỏ: tiến hành vào trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm
+ Đối với cây đào to, trồng nhiều năm: dùng dao mỏng khoanh 2 vòng tròn cách nhau 2mm quanh các cành cách thân chính 5cm. Bóc lớp vỏ giữa hai vòng khoanh bỏ đi và dùng băng dính hoặc nilon cuốn che bên trên vết khoanh, buộc chặt để nước mưa khỏi đọng chỗ vỏ bị khoanh làm thối vỏ.
+ Đối với cây đào trồng năm đầu và năm thứ 2: dùng dao mỏng cắt khoanh 1 vòng tròn đều quanh thân cây ở dưới chỗ phân cành 5- 10cm.
Chú ý: Cây khỏe khoanh trước, cây yếu khoanh sau, chọn ngày trời nắng để khoanh vỏ. Sau một tuần lá đào sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang vàng nhạt và hơi rủ xuống. Nếu lá vẫn xanh đậm thì tiếp tục cắt thêm một khoanh vỏ nữa phía trên vết khoanh trước.
- Tuốt lá đào:
Tuốt sạch toàn bộ lá để kích thích mầm nụ phát triển nhanh. Đồng thời dùng dây nilon go cành lại để tránh bị dập hoa, rụng nụ khi vận chuyển mang đi tiêu thụ.
+ Thời gian tuốt: Với giống đào Bích GL2-1 khoảng ngày 10/11 âm lịch, giống đào Phai GL2-2 tuốt lá khoảng ngày 15/11 âm lịch, giống đào Bạch GL2-3 tuốt lá khoảng 20/10 âm lịch.
+ Kỹ thuật tuốt: bằng tay, nên bứt từng lá để tránh gãy mầm nụ, tuốt toàn bộ lá trên cành và cây
+ Những cây đào sinh trưởng mạnh tuốt trước, sinh trưởng yếu tuốt sau
Lưu ý:
Nên tiến hành tuốt lá làm 2 đợt cách nhau 7 ngày hạn chế rủi ro do điều kiện thời tiết.
+ Đợt 1: tuốt ½ số lá trên cành phía gốc
+ Đợt 2: tuốt ½ số lá trên cành phía ngọn
Không được làm mất phần chân lá dính vào cành, dễ mất mầm nụ
Trong trường hợp đã áp dụng đúng quy trình như trên để điều khiển đào nở hoa đúng Tết, nhưng thời tiết bất thường ảnh hưởng rõ rệt đến sự nở hoa. Do đó, nếu hoa đào bị nở muộn thì phải thúc, hoặc có khả năng nở sớm thì phải hãm.
- Thúc hoa:Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, gặp trời rét đậm kéo dài (nhiệt độ <10oC quá 7 ngày) cần phải thúc bằng cách: Ngưng tưới nước sau vài ngày thì tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm 35-40oC vào quanh gốc bổ sung 3-4 lần/ngày, quây nilon, thắp điện vàphun kích phát tố ra hoa – trái Thiên nông (liều lượng 8 gr cho bình 16 lít) sẽ làm cho hoa đào nhanh nở.
- Hãm hoa:
Vào cuối tháng 11 âm lịch nếu thấy nụ hoa đã nhú to, thời tiết ấm kéo dài. Cần áp dụng các biện pháp hãm như sau:
+ Phải làm giàn che lưới đen tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian 10- 15 ngày và theo dõi thời tiết, sự phát triển của nụ.
+ Không tưới nước và pha phân ure nồng độ 1% phun lên thân cành (có thể cho một ít nước đá vào).
+ Dùng dao khoanh 1 vòng xung quanh thân.
+ Dùng mai xén bớt từ 10-12% bộ rễ, xén rải rác quanh gốc cây. Kích thước bằng bầu định đánh lên để trồng chậu vào dịp Tết.
Lưu ý: Thúc, hãm chỉ làm trong trường hợp thật cần thiết. Vì cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc của hoa.
Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/
- Kỹ thuật trồng sen trong chậu (20-06-2024)
- Cách trồng và chăm sóc sen trong chậu (28-08-2023)
- Đặc điểm của giống sen Juwaba, sen mini đỏ huyết, sen Peony (28-08-2023)